- Hiện tại còn trên 5 lô đang dự trữ cho cuối năm và kế năm sau, có thể bù lấp cho các lô tạm dừng nên không có chuyện thiếu vaccine. Vì thế, chúng tôi đề nghị không chỉ các phụ Huynh, mà cả các cán bộ y tế, vì lợi ích của trẻ và cộng đồng (trong đó có 150.000 trẻ có nguy cơ nhiễm viêm gan B và 5-6% thực sự sau này sẽ xơ gan, ung thư gan) tiếp tục duy trì việc tiêm.
- Thưa ông, tiến độ điều tra đã đến bước nào?
- Hiện nay, Bộ Y tế chưa nhận được trả lời của Bộ Công an sẽ giao cho đơn vị cụ thể nào thụ lý việc này. Theo đề nghị của Bộ Y tế, các cơ quan nghiệp vụ của Bộ Công an sẽ kết hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn y tế về pháp y kỹ thuật, chuyên môn phát huy sức mạnh của từng ngành, sớm đưa ra câu trả lời. Bộ Công an độc lập trong điều tra, nhưng về chuyên môn nếu có yêu cầu của Bộ Công an thì 2 bên kết hợp để có cách làm đạt hiệu quả tốt và sớm. Ý kiến của chuyên gia y tế sẽ không lu mờ vai trò và quá trình điều tra của Bộ Công an.
- Ngành y tế đã loại trừ nguyên nhân trùng hợp bệnh lý, khả năng nào được nghĩ đến nhiều nhất?
- Hiện tại, chúng tôi rất ít nghĩ đến chất lượng vaccine không an toàn, vì vaccine đã tiêm ở nhiều nơi với khoảng 600.000 nghìn liều. Nếu do vaccine, cơ địa phản ứng sẽ khác nhau. Nhưng 3 trường hợp tai biến lại do cùng người tiêm, cùng địa điểm, phản ứng giống nhau. Nhưng về nguyên tắc là không bỏ sót gì nên chúng tôi vẫn đưa chất lượng vaccine vào tầm ngắm. Do đó, vaccine sẽ được đưa đi kiểm định tại nước ngoài về tính an toàn, theo yêu cầu của cơ quan công an.
Việc nhầm lẫn cũng đã được nghĩ đến, bởi vaccine phải được để riêng chính là chống nhầm lẫn, tất nhiên phải đối chiếu, kiểm tra trước khi tiêm. Chúng tôi cũng không loại trừ nguyên nhân này, nên mới nhờ công an vào cuộc để làm đến cùng.
Tổ chức Y tế thế giới đang giúp tìm một phòng thí nghiệm ở Anh hoặc một phòng thí nghiệm chuẩn thức của WHO để xét nghiệm. Đây là việc không thể làm ngay, như với Quinvaxem - từng đề nghị được gửi đi một quốc gia tiên tiến, nhưng nước này từ chối. Sau đó, đã phải nhờ trụ sở WHO ở Thụy Sĩ can thiệp để hỗ trợ.
- Một số chuyên gia đã nói vaccine viêm gan B là thế hệ cũ nên nguy cơ phản ứng cao, có phải vậy không? WHO cũng đã nói rất hiếm khi xảy ra sốc phản vệ liên tiếp như với 3 ca ở VN?
- Ở thế hệ vaccine cũ sử dụng công nghệ toàn tế bào, là nói đến phản ứng phụ sốt, tấy đỏ tại chỗ gây ra khó chịu, chứ không phải phản ứng gây ra chết người. Một vaccine trước khi đưa ra thực tế sử dụng phải trải qua 5-10 năm quá trình nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần nên phải đảm bảo tính an toàn. Thế hệ vaccine vô bào ít gây phản ứng phụ, nhưng đã có một số nghiên cứu quốc tế cho thấy khả năng sinh miễn dịch của thế hệ vô bào kém hơn so với toàn tế bào, bởi vaccine toàn tế bào có nhiều kháng nguyên sẽ sinh ra nhiều kháng thể. Tất nhiên, giá thành cũng là một vấn đề, nhưng không thể nói vaccine toàn tế bào là có hại, bởi thế hệ vaccine này đã trải qua 25 năm, qua nhiều thế hệ trẻ ở VN, giúp thanh toán bại liệt, uốn ván sơ sinh, sởi… Tôi được biết, hiện nay Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có chiến lược về sản xuất, nhập khẩu vaccine, đang trình Chính phủ.
Kết luận của Bộ Y tế là sốc phản vệ, tức là phản ứng bảo vệ của cơ thể trước vật lạ, ở đây là protein. Đó là kết luận chung, còn nguyên nhân thì đang phải đi tìm. Như vậy, nhận định của WHO cũng không mâu thuẫn với Bộ Y tế.
- Việc quy định mỗi buổi tiêm chỉ tiêm cho 50 trẻ có thực sự thuận lợi cho tiêm chủng mở rộng, trong bối cảnh thiếu cán bộ y tế như hiện nay không?
- Hiện tại, có điểm tiêm 100-150 trẻ/ngày, vì các xã/phường chỉ có 1 tháng/1 điểm/1 ngày, làm như vậy rất ồn ào. Có micro gọi trẻ, thông báo tình hình sức khỏe của trẻ, nhưng trong không khí ồn ào nên việc khám không hiệu quả lắm. Vì thế, Bộ Y tế yêu cầu giảm số trẻ, hoặc bằng cách tăng điểm tiêm, tăng số buổi tiêm hằng tháng. Số trẻ ít thì tổ nhân viên thực hành tiêm chuẩn bị tốt hơn, có chỉ định chính xác hơn. Nhưng cũng thẳng thắn mà nói, việc khám chỉ định rất khó khăn, đặc biệt với trẻ nhỏ. Vì nhiều bệnh bẩm sinh khó phát hiện, khi lớn lên mới thấy, sơ bộ thăm khám trong thời gian ngắn khó phát hiện được. Vì thế, cha mẹ cần nói mũi tiêm trước biểu hiện như thế nào, sốt hay không để cán bộ y tế biết và cân nhắc khi chỉ định.
- Một BV phía nam đã phát phiếu, yêu cầu cha mẹ cam kết trước khi tiêm, việc này có sai?
- Tiêm chủng mở rộng là bắt buộc, theo Điều 25 Luật Truyền nhiễm, được Nhà nước bảo trợ để bảo vệ cho trẻ và cộng đồng. Ngành y tế có nhiệm vụ tổ chức các cuộc tiêm chủng cho tốt, thuận lợi cho người dân. Việc cam kết không hoàn toàn là sai, mà là không cần thiết.
- Đã có một số chuyên gia nói không nhất thiết phải tiêm viem gan B 24h sau sinh, nhưng Bộ Y tế vẫn bảo lưu quan điểm. Cơ sở của việc bắt buộc tiêm cho trẻ trong 24h đầu sau sinh như thế nào, thưa ông?
- Từ năm 2007 đã có nhiều hội thảo, quốc tế bàn luận về thời điểm tiêm này. Căn cứ vào khuyến cáo của WHO và kinh nghiệm của các nước cho thấy: Tiêm trước 24h- tốt hơn nữa là 12h- thì cơ thể của trẻ sẽ sớm sinh ra kháng thể bảo vệ của trẻ chống lây truyền của virút. Việc chống chỉ định tiêm chỉ áp dụng với trẻ sốt, yếu. WHO khuyên cơ hội cho trẻ được tiêm nên mở rộng hơn là thu hẹp bằng cách khuyến cáo chống chỉ định rộng, bởi vaccine bản chất là an toàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét