Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Chữa bệnh viêm gan B bằng dứa dại và mía đỏ

Dứa dại, mía đỏ đều có tính lạnh nên chỉ thích hợp với những người bị bệnh ở thể nhiệt và khi dùng nếu có hiện tượng đi lỏng, chán ăn, đầy bụng... thì nên ngừng.
"Người nhà tôi bị viem gan B, chữa thuốc Tây 1 tháng thì ra viện. Có người mách dùng nước rễ cây dứa dại và mía đỏ, mỗi ngày lưng bát. Người nhà tôi làm theo thấy toàn trạng rất dễ chịu. Bài thuốc này có tác dụng như thế nào tới bệnh viêm gan B; các bệnh gan khác có dùng được không?.
Chào bạn,
Đây là một phương thuốc dân gian được lưu truyền ở nhiều địa phương, không chỉ dùng để chữa bệnh gan mà chữa cả bệnh thận nữa. Tuy cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào khảo sát và đánh giá tác dụng của bài thuốc này một cách đầy đủ, nghiêm túc, nhưng xét trên phương diện dược học cổ truyền thì quả thực phương thuốc này cũng có công dụng tốt đối với bệnh lý gan mật.
Trong bài thuốc, rễ cây dứa dại (còn gọi là lộ đâu căn, lặc giác cương, lộ đâu lặc cương) vị ngọt đậm, tính mát, có công dụng phát hãn giải nhiệt, lợi thủy hóa thấp, thường được dân gian dùng để chữa các chứng bệnh như cảm mạo, sốt dịch, viêm gan, viêm thận, viêm đường tiết niệu, phù thũng, đau mắt đỏ, thương tổn do trật đả... Để chữa phù thũng, hoàng đản (vàng da do viêm gan) và cổ trướng, dân gian thường dùng rễ dứa dại 30 g phối hợp với rễ cỏ xước 20 g và cỏ lưỡi mèo 20 g sắc uống.
Còn mía (cam giá, tiếp tràng thảo, đường tiện) vị ngọt, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt sinh tân, bổ khí kiêm hạ khí và nhuận táo, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như nhiệt bệnh thương tân (sốt cao mất nước), táo bón, ho do phế táo, nôn nấc, tâm phiền khẩu khát (bồn chồn, khó chịu trong ngực, môi khô, miệng khát...). Đối với bệnh gan, các sách thuốc cổ và kinh nghiệm dân gian cũng thường dùng để chữa cho những trường hợp do nhiệt thịnh làm thương tổn tỳ âm, can âm. Sách Bản thảo tái tân đã viết: "Mía có công dụng điều hòa các phủ tạng trong ổ bụng, thanh nhiệt mạnh, làm cho gan bình hòa, tỳ khỏe mạnh, bổ sung dịch thể và làm hết khát".
Như vậy, người bị bệnh gan có thể dùng bài thuốc này để hỗ trợ trị liệu trong giai đoạn bệnh tiến triển, điều trị duy trì trong giai đoạn ổn định và dự phòng tích cực sự tái phát của bệnh. Tuy nhiên, vì cả hai vị thuốc này đều có tính lạnh nên chỉ thích hợp với những người bị bệnh ở thể nhiệt và khi dùng nếu có hiện tượng đi lỏng, chán ăn, đầy bụng... thì nên ngừng thuốc ngay. Tốt nhất là nên có sự khám xét và tư vấn đầy đủ của các thầy thuốc chuyên khoa y học cổ truyền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét