Tại khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi TW) có một phòng dành riêng cho những bệnh nhi bị viêm gan. Bác sĩ Lê Hồng Khanh - cho biết, viêm gan A là bệnh gặp nhiều nhất trong các bệnh viêm gan tại Bệnh viện Nhi TW.
Khoảng 20-40% trường hợp viêm gan chẩn đoán trên lâm sàng là do virus viêm gan A gây ra. ở Việt Nam, bệnh viêm gan A chủ yếu xuất hiện ở trẻ em. Có bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bệnh nặng do virus tồn tại với mật độ cao trong cơ thể, sức đề kháng kém, bệnh tiến triển nhanh chóng.
Bệnh có thể gặp ở những trẻ mới 2 tháng tuổi như cháu V.Đ.C (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây). Bệnh nhi C. nhập viện ngày 13/6 trong tình trạng sốt cao, vàng da. Bác sĩ Khanh cho biết, theo kinh nghiệm điều trị, những cháu nhỏ tuổi như bệnh nhi nói trên có thể hồi phục nhanh hơn những bệnh nhân lớn (5-10 tuổi).
Tại Hà Nội, theo các nghiên cứu, tỉ lệ nhiễm virus viêm gan A khoảng 28,7% trong tổng số bệnh nhân bị viêm gan. Hàng năm có khoảng 1,4 triệu người mắc benh viem gan A. Tuy nhiên, các chuyên gia dịch tễ khẳng định trên thực tế số người mắc viêm gan A có thể cao hơn con số thống kê nói trên từ 3 đến 10 lần.
Virus viêm gan A lây truyền theo đường tiêu hóa thông qua thức ăn hoặc nước uống mang virus viêm gan A, đặc biệt là do ăn phải các loại sò, trai, ốc, hến chưa được nấu chín hoặc do tiếp xúc trực tiếp với người mang mầm bệnh. Trong thời gian ủ bệnh (khoảng 2 tuần) và 1 tuần sau khi hồi phục, bệnh nhân viêm gan A sẽ là nguồn lây bệnh ra cộng đồng.
Viêm gan A thường gặp nhiều nhất ở những người sinh sống trong môi trường chật chội, điều kiện vệ sinh kém. Mọi người đều có thể mắc bệnh và lây lan bệnh sang người khác. Dịch bệnh có thể xảy ra ở bất cứ mọi nơi, đặc biệt ở vùng có khí hậu nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.
Bác sĩ Bùi Vũ Huy - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi TW) cho biết trẻ em là đối tượng dễ bị mắc căn bệnh này nhất do trẻ không có nhận thức rõ về vệ sinh phòng bệnh. Bệnh viêm gan A dễ lây truyền trong trường học và những trung tâm nuôi trẻ ban ngày.
Các dấu hiệu đầu tiên của bệnh là sốt, nhức đầu, buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Sau 1 đến 2 tuần, gan có thể sưng to và dấu hiệu vàng da sẽ xuất hiện. Nước tiểu trở nên sẫm màu còn phân thì nhợt màu trong suốt giai đoạn vàng da.
Viêm gan A thường kéo dài từ 3 đến 6 tuần. ở một số bệnh nhân, các biểu hiện của bệnh có thể kéo dài hoặc tái phát trong khoảng 6 tháng. Các biểu hiện bệnh thường khó phát hiện hơn ở trẻ dưới 2 tuổi. Thống kê của ngành y tế cho thấy khoảng 1/1.000 bệnh nhân tử vong vì suy gan do nhiễm virus viêm gan.
Các điều kiện vệ sinh tốt sẽ làm giảm nguy cơ bùng phát dịch. Bên cạnh đó có thể phòng ngừa viêm gan A bằng biện pháp tiêm vaccine. Tại Việt Nam, mới đây Bộ Y tế đã cho phép lưu hành vaccine Avaxim 80 do Cty Sanofi Pasteur (Pháp) sản xuất. Vaccine này được chỉ định dùng cho trẻ em từ 1 tuổi đến 15 tuổi. Các nghiên cứu tại nhiều nước trên thế giới cho thấy Avaxim 80 có hiệu quả tốt, an toàn, giúp bảo vệ hơn 95% trẻ được tiêm ngừa ngay từ tuần thứ 2 và hơn 99% trẻ được tiêm ở tuần thứ 4 sau khi chào đời.
Thời gian bảo vệ cho trẻ sau tiêm vaccine là 10 năm. Phác đồ tiêm gồm 2 liều tiêm, cách nhau 6 tháng. Trẻ em là đối tượng dễ có nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém. Do vậy trẻ nhỏ là đối tượng ưu tiên cần được tiêm phòng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét